Mỗi vùng quê Việt Nam đều có các món ăn đặc trưng, cũng có thứ quà bánh đặc sản riêng nổi tiếng như bánh cáy Thái Bình, bánh đậu xanh Hải Dương, cu đơ Hà Tĩnh hay mè xửng Huế… Nam Định cũng có những món ăn ngon khiến du khách không thể nào quên.
Ăn miếng chè kho, nhấp một ngụm trà sen, cảm nhận cái dư vị thơm dẻo, ngọt ngào đan quyện trong vị thanh mát, mới thấy được cái tinh túy của đất trời giao hòa trong buổi đầu xuân và tấm chân tình của người chủ mến khách. Chỉ từng ấy dư vị thôi nhưng cũng đủ làm khắc khoải ký ức biết bao người con xa quê. Dân dã mà ấm áp đến lạ thường!
Ngọt thơm cá kho làng Vũ Đại:
Mặc dù giá bán đắt nhưng vẫn được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, vì kho cá vô cùng công phu. Chỉ sử dụng duy nhất loại cá trắm đen, nặng tối thiểu 3 kg. Nồi kho cá chỉ dùng loại niêu đất do các lò gốm ở Thanh Hóa, Nghệ An làm. Niêu đất được nung bằng cỏ chứ không dùng lò than, lò ga. Cá phải kho bằng củi, rơm, rạ hoặc cỏ, phải luôn giữ đều lửa để niêu cá chỉ sôi lăn tăn trong suốt 10-14 giờ. Thời gian kéo dài để chín xương cá, thịt rắn lại, khi ăn không bỏ đi tí gì.
Cái khó chính là ở chỗ đốt củi, rơm sao cho lửa không cháy thành ngọn. Đun suốt 14 giờ mà không kiệt hết nước, gây cháy cá, đồng thời miếng cá phải vừa khô, vừa chắc. Niêu cá phải khô nhưng nước và thịt phải mềm, xương bùi. Mùi thơm phức của riềng, gừng gia vị dậy mùi. Cá trong niêu quyện vón vào thành khối mới đạt. Tuyệt đối không dùng hoá chất bảo quản, nhưng cá kho Vũ Đại luôn giữ được lâu, có khi hàng tháng trời không cần bỏ vào tủ lạnh.
Bánh gai:
Từ xưa, Nam Ðịnh vẫn có truyền thống làm bánh gai. Lá gai ngay Cầu Ốc cũng có nhiều nhà trồng. Bánh bóc không bị dính lá, khi ăn nhân không bị rơi. Bánh gai thành Nam ăn ngon và dẻo. Vị ngon xuất phát từ bột nếp trộn bột lá gai thơm lừng, từ nhân đỗ xanh bùi lựng.
Bún Chả Thành Nam:
Bún chả thành Nam xưa chỉ cần ăn kèm với một ít lạc rang là đủ. Nay người ta thường dọn kèm rau sống (gồm xà lách và các loại rau thơm) và dưa góp làm bằng đu đủ, cà rốt thái mỏng ướp với nước mắm, dấm, tỏi, ớt, đường… ăn kèm với chả cho đỡ ngấy và kích thích khẩu vị. Bún chả đã trở thành món quà hấp dẫn với người thành Nam và du khách thập phương bất kể sáng, trưa.
Kẹo Sìu Châu:
Cũng là hạt vừng, củ lạc nhưng qua bàn tay người thành Nam đã được sàng lọc, tinh lựa công phu với bí quyết truyền nhiều đời tâm huyết đã cho ra Kẹo Sìu Châu. Cái kẹo lạc vốn bình dị ở các làng quê, nay trở nên đặc sắc, thanh tao, giản dị, nhưng đậm hương vị quê hương.
Bánh nhãn:
Bánh mang tên loài quả nhưng không phải làm từ trái cây, đơn giản, bánh khi làm ra trông xinh xắn, vàng ươm như những quả nhãn. Bánh nhãn được người trong Nam, ngoài Bắc yêu thích vì sự giòn, ngọt mát của thứ bánh thoạt trông đã hấp dẫn.
Bánh cuốn làng Kênh:
Bánh cuốn làng Kênh không có nhân thịt nhưng vẫn hấp dẫn người ăn ở màu trắng trong và mềm thơm của bánh. Người dân làng Kênh vẫn thường nói vui với nha,u rằng “bánh cuốn làng Kênh như cô nàng đỏng đảnh” kể cũng không ngoa. Trong quá trình làm, không cẩn thận một chút thì cho dù tráng đúng kỹ thuật, bánh vẫn nhão và không ngon.
Đưa tấm bánh mỏng tang lên miệng, hương thơm của bánh cùng cái giòn rụm của hành phi, mùi thơm của cà cuống… mới khiến ta cảm nhận hết vị ngon của bánh cuốn làng Kênh.
Sưu tầm
Thông tin cập nhập:
Fanpage https://www.facebook.com/baibienthinhlongnamdinh
Hải sản Thịnh Long https://haisanthinhlong.vn
Group món ngon Thịnh Long: https://www.facebook.com/groups/monngonthinhlong/
Group khách sạn tại Thịnh Long: https://www.facebook.com/groups/reviewkhachsanthinhlong
Youtube Biển Thịnh Long
Các Quán ăn tại Thịnh Long : Chi tiết