Trải nghiệm vị ngọt trong đặc sản Nam Định

Chia sẻ bài viết

Nam Định nổi tiếng không chỉ với những món ăn mặn như phở bò, nem chạo hay bún chả. Các loại bánh trái ở xứ này cũng đậm vị ngọt bùi, ai ăn rồi thì nhớ mãi không quên.

Có người nói Nam Định cũng là đất ăn chơi. Ăn chơi ở đây phải hiểu là cái sự giàu có, phong phú của các món bánh trái bên cạnh những Phở bò, Nem chạo, Bún chả đã đi vào tiềm thức của bao người.

Nào bánh đậu xanh Hanh Tụ, bánh nhãn Hải Hậu, kẹo sìu Châu Nguyên Hương đến các món bánh gối lạ miệng, bánh chưng Bà Thìn, bánh Rang Cát Thành,… Mỗi loại bánh lại mang đặc trưng và hương vị riêng không lẫn vào đâu được. Người Nam Định bên ấm trà phải mời nhau kẹo Sìu, bánh nhãn, chè kho thì ăn mới đậm đà, thưởng trà mới thấm, câu chuyện mới đưa đẩy.

Chè kho Nam Định là thứ chè ăn ngọt, dạng khô dẻo, nấu bằng đậu xanh, được bày trên đĩa nhỏ chứ không phải ăn cốc như những món chè bình thường. Món chè dân dã ấy được người dân Nam Định đãi khách trong những ngày lễ tết, hay cúng rằm. Và giờ đây, nó đã trở nên phổ biến trên đất Bắc ngay cả trong những ngày thường nhật. Chè kho không cầu kỳ, chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon.

che-kho-nam-dinh

Ăn miếng chè kho, nhấp một ngụm trà sen, cảm nhận cái dư vị thơm dẻo, ngọt ngào đan quyện trong vị thanh mát, mới thấy được cái tinh túy của đất trời và tấm chân tình của người chủ mến khách.

Ăn chè kho mà không nếm Bánh đậu xanh Hanh Tụ thì quả là uổng khi đặt chân đến đất Thành Nam. Bánh đậu xanh Hanh Tụ là món bánh gia truyền của gia đình Lê Thị Phúc. Ăn một miếng bánh, với một chén chè thơm, miếng bánh tan trong miệng để dư vị ngọt ngào đậm đà khó tả.

Tên gọi bánh nhãn là do dân gian đặt, vì thấy nó tròn và màu bánh giống màu quả nhãn. Bánh nhãn có gốc ở làng Đông Cường, xã Quần Phương Hạ. Bánh nhãn ra đời là sự kết tinh những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Hải Hậu: nếp hương ngon, trứng gà tươi, đường phèn. Làm bánh nhãn không thể làm ẩu, xay bột nếp phải xay mịn thì bánh mới đẹp, nếu xay bột to hoặc trộn với bột khác thì bánh sẽ không phồng mà còn nứt, cháy, khó lành. Ai đã từng thưởng thức bánh nhãn hẳn không quên hương vị thơm giòn, béo ngậy của bánh.

banh-nhan

Xứ Thành Nam không chỉ ngọt ngào với các thức quà vặt như bánh, kẹo ngọt mà cũng đậm đà với nào bánh gối, bánh cuốn, bánh mỳ đặc ruột.

Bánh gối Nam Định là món ăn ngon lại rẻ, dễ chế biến. Bánh gối có vỏ bánh và nhân bánh được tạo thành hình bán nguyệt. Bánh có màu vàng ruộm, phồng xốp. Nhân bánh được làm bằng thịt nạc vai xay nhuyễn, mộc nhĩ, nấm hương thái chỉ, miến dong trộn đều với trứng gà. Điều khác biệt của bánh gối Nam Định với bánh gối Hà Nội là vỏ bánh được sử dụng là bánh đa nem. Đây là bí quyết để chiếc bánh được phồng căng, giòn xốp sau khi rán.

Bánh mì Ba Lan là loại bánh mì đặc ruột không xốp như bánh Mỳ Hà Nội. Bánh mì Ba Lan ăn chơi cũng ngon mà thêm nhân cũng thú. Điều đặc biệt của loại bánh này là đặc ruột và ruột mịn nên ăn no lâu.

Bánh rang hay còn được gọi với cái tên bánh khoai là một đặc sản nổi tiếng của Cát Thành. Những miếng bánh phồng to lên ở giữa trông như hình chiếc gối nhỏ nhỏ. Trong ruột, bánh rỗng và có các lỗ khí nhỏ. Những chiếc bánh rang sau đó được phớt lên một lớp áo mật ong vàng óng, hạt vừng rang thơ phức. Mùi thơm của đường mật quyện với mùi thơm của vừng rang tạo nên một hương vị làm ngây ngất lòng người.

banh-khoai

Chỉ điểm qua vài món ăn chơi nơi Thành Nam cũng đủ thấy nết ẩm thực không lẫn vào đâu được. Và những món ăn chơi đất Nam Định cứ theo du khách đến khắp mọi miền.

Xinhxinh


Thông tin cập nhập:

Fanpage https://www.facebook.com/baibienthinhlongnamdinh

Hải sản Thịnh Long https://haisanthinhlong.vn

Group món ngon Thịnh Long: https://www.facebook.com/groups/monngonthinhlong/

Group khách sạn tại Thịnh Long: https://www.facebook.com/groups/reviewkhachsanthinhlong

Youtube Biển Thịnh Long

Các Quán ăn tại Thịnh Long : Chi tiết

Bài viết cùng chuyên mục

Trả lời